Hồ sơ giảm trừ gia cảnh chính là cách hữu hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đề ra để cùng các cá nhân, doanh nghiệp san sẻ những gánh nặng trong cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân.

Vậy hồ sơ giảm trừ gia cảnh là gì và làm thế nào để thực hiện nó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh

Giảm trừ gia cảnh là cách Nhà nước và Chính phủ nâng cao đời sống nhân dân

Thế nào là hồ sơ giảm trừ gia cảnh? 

Giảm trừ gia cảnh và các khái niệm liên quan đến hồ sơ giảm trừ gia cảnh được xác định rõ ràng trong Khoản 1 Điều 19 của Luật thuế thu nhập cá nhân. Luật đã được sửa đổi và bổ sung vào năm 2012, trong đó quy định rõ: “Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú”.

Những đối tượng nào thuộc diện Giảm trừ gia cảnh?

Trong Khoản 3 Điều 19 Luật thuế thu nhập cá nhân đã quy định có 2 đối tượng dưới đây được thuộc diện đối tượng giảm trừ gia cảnh – gọi chung là Người phụ thuộc: 

  • Con của đối tượng nộp thuế, bao gồm con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất đi khả năng lao động;
  • Các cá nhân mà đối tượng nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng, bao gồm: con cái đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng đã mất hoàn toàn khả năng lao động; bố hoặc mẹ đã quá tuổi lao động hoặc vẫn đang trong thời gian lao động nhưng mất đi khả năng đó; những người khác không nơi nương tựa và sống phụ thuộc hoàn toàn vào người nộp thuế. 

Hướng dẫn làm hồ sơ giảm trừ gia cảnh 

Hồ sơ giảm trừ gia cảnh được thực hiện theo Khoản 10 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BTC, cụ thể như sau: 

Các cá nhân – đối tượng đóng thuế sẽ tiến hành đăng ký người phụ thuộc trực tiếp tại các cơ quan thuế có thẩm quyền. Trước khi đến cần điền đầy đủ và chính xác thông tin vào Tờ khai đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh theo mẫu 20-ĐK-TCT. Ngoài ra, một số bản photo không cần chứng thực sau đây cũng cần được mang theo khi tiến hành đăng ký thủ tục bao gồm: 

  • Thẻ căn cước công dân hoặc Giất chứng minh nhân dân còn hiệu lực
  • Giấy khai sinh còn hiệu lực 
  • Hộ chiếu còn hiệu lực

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp đứng ra để đăng ký hồ sơ cho nhân viên của mình, cần làm theo những bước sau đây: 

  • Cá nhân gửi văn bản cho doanh nghiệp, ủy quyền doanh nghiệp trong nhiệm vụ tiến hành làm hồ sơ giảm trừ gia cảnh.
  •  Trong đó gửi kèm các giấy tờ, văn bản của người phụ thuộc là bản sao không cần chứng thực của Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân, tất cả phải còn hiệu lực) và Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.

Hiện nay, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp online. Nếu nộp trực tiếp, doanh nghiệp dùng mẫu 20-ĐK-TH-NPT, nếu nộp qua mạng thì dùng mẫu 02TH.

Mức giảm trừ gia cảnh

Mức giảm trừ gia cảnh là bao nhiêu?

Thể theo Pháp luật Việt Nam đã quy định tại điểm B Khoản 1 Điều 9, thuộc Thông tư 111/2013/TT-TBC, mức giảm trừ gia cảnh được tính một cách cụ thể như sau:

  • Đối với người nộp thuế sẽ là 9 triệu đồng cho một tháng, và 12 tháng là 108 triệu đồng 
  • Đối với mỗi người phụ thuộc, mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 3,6 triệu đồng cho một tháng. 

Lưu ý trong trường hợp cá nhân đóng thuế có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, như tiền lương, tiền công, tiền kinh doanh, thì mức tính giảm trừ gia cảnh sẽ được tính tổng một lần, trừ vào tổng tiền thu nhập của tất cả đầu thu nhập của cá nhân.

Trên đây là những thông tin cơ bản về hồ sơ và những thông tin liên quan đến hồ sơ giảm trừ gia cảnh. Các cá nhân và doanh nghiệp nếu thuộc diện trên đây, có thể dựa vào những thông tin cơ bản trên để thực hiện làm hồ sơ nhanh chóng và chính xác nhất. 

Thuý Hằng

Theo tapchidautu.net