Tổng Cục Thống kê mới đây đã công bố tình hình kinh tế xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2020. Mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến cho GDP thấp kỷ lục song đây vẫn là dấu hiệu đáng mừng so với nhiều quốc gia khác.

Báo cáo tình hình kinh tế 2020

Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1.81% so với 6 tháng đầu năm 2019. Đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, kể từ năm 2011.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0.8% (đạt 2,380.8 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II/2020 ước tính đạt 1,154,9 tỷ đồng, giảm 5.8% so với quý I/2020 và giảm 4.6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, hoạt động vận tải tháng 6/2020 đã có xu hướng khôi phục trở lại với lượng hành khách vận chuyển tăng 13.4%, lượng hàng hoá vận chuyển tăng 7.3% so với tháng trước. Vì ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của Covid-19 mà kinh tế của các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang hạn chế đường bay.

Số liệu 6 tháng đầu năm ngành vận tải như sau:

Vận tải hành khách đạt 1,812.6 triệu lượt, giảm 27.3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 82.4 tỷ lượt khách.km, giảm 32.7%.

Vận tải hàng hoá đạt 807.9 triệu tấn, giảm 8.1% so với cùng kỳ năm 2019, luân chuyển đạt 159.8 tỷ tấn.km, giảm 7.1%.

Theo thống kê, có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới trong nửa đầu 2020 (giảm 7.3%) với tống số vốn đăng ký là hơn 697 nghìn tỷ đồng (giảm 19%). Số lao động đăng ký đạt 507.2 nghìn lao động (giảm 21.8%).

Vốn đăng ký bình quân của mỗi doanh nghiệp mới thành lập khoảng 11.2 tỷ đồng (giảm 12.5%) so với năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký bổ sung trong 6 tháng đầu năm đạt 1,681.5 nghìn tỷ đồng, giảm 22.5% so với năm trước.

Đã có 25.2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại nâng tổng số doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động trở lại trong những tháng đầu năm 2020 lên 87.2 nghìn doanh nghiệp.

Mức tăng trưởng của các ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.71% so với cùng kỳ năm 2019. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, cung cấp và xử lý nước thải,… đều có mức tăng thấp hơn so với năm 2019. Đặc biệt, ngành khai khoáng giảm đến 5.4% vì nguồn dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.